- Một đặc sản mà khách du lịch Sa Pa thường mang về làm quà là táo mèo, được giới thiệu có tác dụng bổ dưỡng cơ thể, giúp người sau bệnh ăn uống ngon miệng, đồng thời lại có tác dụng giảm cân, giảm mỡ máu cho người thừa cân béo phì. Thực hư thế nào về hai tác dụng trái ngược nhau của cùng một loại quả này?
Theo y học cổ truyền, sơn tra có vị chua ngọt, tính hơi ấm, quy kinh can, tỳ, vị, thuộc nhóm thuốc tiêu thực hóa tích, giúp tiêu hóa do tăng bài tiết axit mật và pepsin dịch vị. Công dụng chủ yếu là điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều thịt, dầu mỡ, trẻ em ăn sữa không tiêu… Đây chính là tác dụng giúp ăn uống ngon miệng của vị thuốc này.
Thực nghiệm invivo cho thấy dịch chiết sơn tra có tác dụng ức chế trực khuẩn E.coli, trực trùng lị, bạch hầu, thương hàn, tụ cầu vàng khá mạnh. Khi sao đen (sơn tra thán) có thể hấp thu hầu hết độc tố của vi khuẩn và các chất hoại tử, làm giảm kích thích thành ruột, giảm nhu động ruột, cầm tiêu chảy, kiết lị do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, sơn tra có tác dụng kháng khuẩn, cường tim, làm giãn động mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường công năng miễn dịch, trấn tĩnh an thần, chống co thắt, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, điều chỉnh rối loạn lipit máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, phòng ngừa đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, béo phì, lị trực khuẩn cấp, viêm ruột cấp, tiêu chảy do nhiễm giun sán, viêm cầu thận cấp và mạn tính, hậu sản, ứ trệ gây đau bụng…
Các nhà y học Trung Quốc đã dùng viên Sơn Tra Giáng Mỡ (mỗi viên chứa 0,06g bột chiết sơn tra) điều trị rối loạn lipit máu với liều uống mỗi ngày ba lần, mỗi lần hai viên, liệu trình bốn tuần. Kết quả cho thấy, nồng độ cholesterol và triglycerid huyết thanh giảm với tỷ lệ 76% và 88%. Người châu Âu đã sử dụng sơn tra để làm thuốc từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Đến thập niên 70 của thế kỷ trước, vai trò của sơn tra trong việc tăng cường chức năng tuần hoàn, giảm mỡ máu, giãn mạch, điều hòa huyết áp đã được chứng minh. Chiết xuất sơn tra có mặt trong hơn 100 đặc chế trị bệnh tim mạch như: Crataegutt, Eurython, Esbericard, Cratamed...
Theo TS Dharmananda (giám đốc viện Y học cổ truyền, Portland, Oregon) các tác dụng sinh học của sơn tra có liên quan đến bốn nhóm hợp chất chủ yếu: các flavonoid (hyperoside, luteolin-7-glucoside, rutin, quercetin, vitexin, vitexin rhamnosides), Oligomeric procyanidins và flavans (catechin, epicatechin polymers), các dẫn xuất Triterpene (oleanolic axit, ursolic axit), các axit hữu cơ (citric, tartaric, ascorbic), các phenolic đơn giản (chlorogenic axit, caffeic axit). Các flavonoid làm gia tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, tăng nhịp tim, giãn mạch vành, giảm xơ vữa động mạch. Sơn tra còn cho tác dụng tốt trong các trường hợp nghẽn mạch máu tim. Kết quả thực nghiệm tại phòng thí nghiệm dược lý – viện cây thuốc và tinh dầu Nga cho thấy chiết xuất sơn tra có đặc tính chống nghẽn mạch rõ rệt; cải thiện việc đưa oxy về tế bào cơ tim; giảm cholesterol, triglycerid, độ quánh của máu và fibrinogen…
Nhiều thử nghiệm lâm sàng cũng đã chứng minh tác dụng bảo vệ tim của chiết xuất sơn tra: tăng cường tuần hoàn tim và não bộ trong các trường hợp nghẽn mạch, đau thắt ngực, tăng huyết áp, chậm nhịp tim. Các amin trong sơn tra có tác dụng tăng cường hoạt động cơ tim, nên vị thuốc này khá hiệu quả với các trường hợp suy tim (được chỉ định cho suy tim độ 1 và 2, đau thắt ngực, chậm nhịp tim).
Tóm lại, sơn tra không những là vị thuốc có tác dụng giúp tiêu hóa, mà còn có khả năng phòng chống các rối loạn chuyển hóa lipid, giảm mỡ máu, điều hòa hoạt động tim mạch. Tuy nhiên, nếu đang điều trị bệnh tim mạch, người dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng sơn tra.