TRÀ DƯỢC NGỪA SUY GIẢM TẾ BÀO MÁU
- Tế bào máu gồm có hồng cầu (tế bào máu đỏ), bạch cầu (tế bào máu trắng) và tiểu cầu. Suy giảm tế bào máu do nhiều nguyên nhân gây nên như suy tủy, thiếu máu, nhiễm trùng, nhiễm độc, tác dụng không mong muốn của thuốc, bệnh lý tiểu cầu, tác dụng phụ của hóa trị liệu và xạ trị liệu trong điều trị các bệnh lý ác tính...
Trong y học cổ truyền, để phòng chống tình trạng bệnh lý này phải thực thi nhiều biện pháp mang tính toàn diện, trong đó dùng trà dược là phương thức đơn giản mà hiệu quả. Dưới đây xin giới thiệu 3 loại điển hình
=> Ích huyết thăng bạch trà
Thành phần: sinh hoàng kỳ, nữ trinh tử, linh chi, đương quy, đan sâm, đẳng sâm và sơn thù, mỗi vị 6g.
Công dụng: ích khí, dưỡng huyết, phù chính, dùng cho các trường hợp suy giảm tế bào máu, đặc biệt là giảm bạch cầu do dùng hóa chất và tia xạ trị liệu ung thư. Cách chế và cách dùng: các vị thuốc có thể bội lượng theo tỷ lệ như trên, sấy khô, tán vụn, trộn đều rồi đựng trong lọ kín để dùng dần, có thể đóng dưới dạng trà túi, mỗi túi 50g. Mỗi lần dùng 50g bột thuốc hoặc 1 túi đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, mỗi ngày 1 lần. Khi bị cảm sốt không dùng.
Trong phương, hoàng kỳ và đẳng sâm ích khí sinh huyết; đương quy và đan sâm hoạt huyết sinh huyết; sơn thù và nữ trinh tử dưỡng âm ích tinh; linh chi tư bổ cường tráng, các vị phối hợp với nhau tạo nên công năng phù chính bồi bản (nâng cao chính khí và bồi bổ cơ thể). Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, tất cả các vị trong phương đều có tác dụng cải thiện công năng tạo máu của tủy xương, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, trong đó đặc biệt là hoàng kỳ có tác dụng làm tăng chất lượng và số lượng hồng cầu trưởng thành và hồng cầu lưới, nâng cao lượng bạch cầu trên mô hình động vật thí nghiệm làm giảm số lượng bằng cầu bằng phương pháp chiếu xạ; nữ trinh tử cũng được chứng minh có khả năng tăng số lượng bạch cầu trên bệnh nhân ung thư trị liệu hóa chất.
Vị thuốc kê huyết đằng hoạt huyết, sinh huyết.
=> Phù chính bồi bản trà
Thành phần: hoàng kỳ 300g, kê huyết đằng 300g, phá cố chỉ, thỏ ty tử, đương quy và kỷ tử mỗi vị 200g, trần bì 150g.
Công dụng: ích khí bổ huyết, dưỡng tinh bồi bản. Cách chế và cách dùng: các vị đem sấy khô, tán vụn, trộn đều rồi đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi lần lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, mỗi ngày 1-2 lần.
Trong phương, hoàng kỳ bổ khí sinh huyết; đương quy và kỷ tử bổ huyết sinh huyết; kê huyết đằng hoạt huyết sinh huyết, bồi bổ can thận, gân xương; phá cố chỉ và thỏ ty tử bổ thận dưỡng tinh mà sinh huyết. Ngoài các vị thuốc thường dùng để làm tăng số lượng và chất lượng tế bào máu như: hoàng kỳ, đương quy và kỷ tử, kê huyết đằng là một vị thuốc nam nhưng cũng đã được các tác giả Trung Quốc chứng minh có tác dụng cải thiện năng lực hoạt động của hệ thống tạo máu, làm tăng số lượng hồng cầu và lượng huyết sắc tố. Phá cố chỉ và thỏ ty tử cũng được chứng minh có tác dụng làm tăng số lượng bạch cầu
=> Nữ trinh kỷ sâm trà
Thành phần: nữ trinh tử, kỷ tử, thái tử sâm mỗi vị 10g, kê huyết đằng 15g. Công dụng: tư bổ can thận, ích huyết bồi bản.
Cách chế và cách dùng: các vị đem sấy khô, tán vụn, trộn đều rồi đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi lần lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, mỗi ngày 1 lần.
Trong phương, thái tử sâm bổ sinh tân, sinh huyết; kỷ tử tư bổ can thận, nhuận phế minh mục; kê huyết đằng hoạt huyết sinh huyết; nữ trinh tử tư bổ can thận, thanh nhiệt minh mục. Các vị thuốc đều được chứng minh có tác dụng nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống tạo huyết, tăng số lượng và chất lượng các tế bào máu, cải thiện sức miễn dịch của cơ thể. Trong đó, đặc biệt là thái tử sâm và nữ trinh tử có khả năng tăng tạo số lượng bạch cầu và tế bào lympho, phòng chống hữu hiệu tình trạng suy giảm lượng bạch cầu ở các bệnh nhân ung thư được trị liệu bằng hóa chất và tia xạ; kê huyết đằng khi dùng với liều cao có thể ngăn ngừa và hỗ trợ trị liệu tình trạng suy giảm số lượng tiểu cầu, rất thích hợp với bệnh lý thiếu máu do nhiều nguyên nhân khác nhau.
ThS. Hoàng Khánh Toàn (SK&ĐS)